Trắng hay đen?
Trong các vở hát kịch trẻ em, thế lực đen tối thường hay đội mũ đen, nhân vật chính diện mang mũ trắng.
Có một điều thế này, người ta thường hay nhìn vào hình thức để áp đặt cho cái tính cách bên trong của một con người. Trong các bộ phim, chuyện cổ tích, các vở kịch... người ta thường giúp người xem nhận biết người tốt - kẻ xấu qua trang phục, sắc mặt. Ví dụ như nghệ thuật tuồng, phe chính nghĩa bao giờ cũng có khuôn mặt màu đỏ, những kẻ phản diện mang khuôn mặt trắng.
Điều này không chỉ tồn tại ở riêng văn hóa phương Đông mà phương Tây cũng thế. Trong các vở hát kịch dành cho trẻ em, thế lực đen tối thường hay được người đạo diễn cho đội chiếc mũ màu đen, nhân vật chính diện mang mũ màu trắng.
Cuộc sống mà cứ rạch ròi, dễ phân biệt như thế thì hay biết mấy. Nhưng hỡi ôi! Nghệ thuật là nghệ thuật còn cuộc sống là cuộc sống. Đôi khi, người mang khuôn mặt màu đỏ lại có thể làm những chuyện vô cùng xấu xa. Cũng đôi khi, người đội mũ đen lại làm được những chuyện tốt (tốt đến nỗi người tốt còn không tưởng tượng nổi).
Chưa hết, thứ mà ngày nào ta cũng gặp, thứ mà xô bồ, lổn nhổn đầy ngoài đường, thứ mà ta vẫn gọi bằng hai tiếng "con người" kia còn phức tạp hơn cả cuộc sống nữa. Trong con người, người mũ trắng, kẻ mũ đen lẫn lộn. Lúc mặt đỏ, lúc mặt trắng khó lường.
Thế mới có chuyện, một anh lính hiền như cục đất (điều này được tất cả những người sống bên anh ta thừa nhận), vì gia đình người yêu ngăn cản mà cầm dao giết chết cả bà, bố, mẹ và chị người yêu. Anh lính đội mũ nào?
Thế mới có chuyện, một tên tù ngồi bóc lịch 10 năm, một tên tù biệt giam, khi ra tù, hắn ta bán nhà (tài sản duy nhất còn lại) quyên từ thiện. Hắn ta đi nhà thờ. Hắn ta cầu kinh hàng đêm. 10 năm, một mình hắn đối diện với lương tâm dẫn đến sự thay đổi đó. Hắn có sắc mặt nào? Ta tin hay không tin vào những người sống cạnh ta? Ta tin hay không tin vào chính ta?
Nên tin! Tin để người mũ trắng sẽ hạ gục kẻ mũ đen. Tin để người mặt đỏ át kẻ mặt trắng.
Chich
0 nhận xét:
Đăng nhận xét